Alfonso XII của Tây Ban Nha
Alfonso XII của Tây Ban Nha | |
---|---|
Quốc vương Tây Ban Nha | |
Tại vị | 29 tháng 12 năm 1874 – 25 tháng 11 năm 1885 10 năm, 331 ngày |
Thủ tướng | Xen danh sách
Antonio Cánovas del Castillo
Joaquín Jovellar y Soler Arsenio Martínez Campos Práxedes Mateo Sagasta José Posada Herrera |
Tiền nhiệm | Amadeo I Vua Tây Ban Nha Francisco Serrano Tổng thống Cộng hoà |
Kế nhiệm | Alfonso XIII |
Thông tin chung | |
Sinh | 28 tháng 11 năm 1857 Madrid, Tây Ban Nha |
Mất | 25 tháng 11 năm 1885 (27 tuổi) Madrid, Tây Ban Nha |
An táng | El Escorial |
Phối ngẫu | María de las Mercedes của Tây Ban Nha Maria Christina Henriette của Áo |
Hậu duệ | María de las Mercedes, Thân vương xứ Asturias Maria Teresa, Vương phi Bayern |
Vương tộc | Nhà Borbón |
Thân phụ | Francisco de Asís của Tây Ban Nha |
Thân mẫu | Isabel II của Tây Ban Nha |
Tôn giáo | Công giáo La Mã |
Alfonso XII[a] (Alfonso Francisco de Asís Fernando Pío Juan María de la Concepción Gregorio Pelayo; 28 tháng 11 năm 1857 - 25 tháng 11 năm 1885) còn được gọi là El Pacificador (tiếng Tây Ban Nha: Người kiến tạo hoà bình), là Vua của Tây Ban Nha từ 29 tháng 12 năm 1874 cho đến khi ông qua đời năm 1885.
Sau Cách mạng Vinh quang năm 1868, mẹ của ông là Nữ vương Isabella II đã bị phế truất khỏi ngai vàng, Alfonso sống lưu vong cùng bố mẹ tại Paris và tiếp tục việc học ở Áo và Pháp. Mẹ ông đã thoái vị vào năm 1870 để ủng hộ ông lên ngôi, và Alfonso trở lại Tây Ban Nha làm vua vào năm 1874 sau cuộc đảo chính quân sự chống lại Đệ Nhất Cộng hòa Tây Ban Nha. Alfonso qua đời ở tuổi 27 vào năm 1885, khi đó vợ của ông là Maria Christina của Áo đang mang thai đứa con đầu lòng mới được 3 tháng, bà trở thành nhiếp chính của Tây Ban Nha. Con trai của họ là Vương tử Alfonso León Fernando, trở thành vua ngay sau khi cất tiếng khóc chào đời vào ngày 17 tháng 5 năm 1886 với vương hiệu Alfonso XIII. Maria Christina tiếp tục làm nhiếp chính cho đến khi Alfonso XIII trưởng thành vào năm 1902.
Thân thế
Alfonso sinh ra ở Madrid vào ngày 28 tháng 11 năm 1857, với tư cách là con trai cả của Vương nữ Isabella, nữ vương tương lai của Tây Ban Nha. Cha của ông là chồng của Isabella, Công tước xứ Cadiz, Francisco de Asís, thường bị coi là ẻo lả, bất lực hoặc đồng tính luyến ái, khiến các nhà viết sử đặt câu hỏi về quan hệ cha con sinh học của ông. Có suy đoán rằng cha ruột của Alfonso có thể là Enrique Puigmoltó y Maya, một đội trưởng đội cận vệ.[1] Những người khác lại gán quyền làm cha cho Federico Puig Romero, một đại tá bị sát hại trong hoàn cảnh không rõ ràng vào năm 1866.[2] Mối quan hệ của nữ vương với Puigmoltó đã trở thành tin đồn công khai vào thời điểm đó, tình hình nghiêm trọng đến nỗi Công tước Francisco de Asís ban đầu từ chối tham dự lễ rửa tội của Alfonso (người thừa kế), mặc dù cuối cùng ông cũng buộc phải tham dự.[3]
Những tin đồn này đã được phong trào Carlism sử dụng để tuyên truyền chính trị chống lại Alfonso, và ông được nhiều người đặt biệt danh là "Puigmoltejo" để chỉ người được cho là cha của ông.[4][5]
Năm 1833, vua Fernando VII chết, người con gái lên ngôi tức nữ vương Isabel II. Em Fernando là vương tử Carlos, Bá tước xứ Molina không phục, mới lập ra vây cánh tranh giành ngôi vua, đưa đến 3 cuộc nội chiến đẫm máu mang tên chiến tranh Carlos (1833–1840; 1846–1849; 1872–1876). Phe cánh của Carlos và những người thừa kế ông muốn khôi phục nền quân chủ chuyên chế Công giáo, trong khi triều đình Isabel II muốn theo chế độ quân chủ lập hiến, chịu ảnh hưởng từ chủ nghĩa tự do.
Nữ vương Isabel, được các tướng giúp sức, đã đánh bại phe Carlos trong 2 cuộc chiến 1833–40 và 1846–49. Tuy nhiên, nữ vương cai trị kém hiệu quả, dẫn đến nhiều âm mưu đấu đá, xung đột nội bộ. Nữ vương lại còn thiên vị các tướng theo khuynh hướng bảo thủ và giáo hội. Năm 1868, các tướng theo chủ nghĩa tự do hợp sức làm cuộc đảo chính, lật đổ Isabel II. Sử gọi là cuộc Cách mạng Vinh quang. Nữ vương và chồng là Francisco, con là Alfonso phải trốn khỏi Tây Ban Nha. Năm 1870, quốc hội Tây Ban Nha lập vương tử Ý Amedeo làm vua. Nhà vua mới không giải quyết nổi các cuộc đấu đá, nên phải từ ngôi, quốc hội tuyên bố Tây Ban Nha là nước cộng hòa (1871).
Khi Nữ vương Isabella II và chồng bà buộc phải rời Tây Ban Nha sau Cách mạng năm 1868, Alfonso đã cùng họ đến Paris. Từ đó, ông được gửi đến Theresianum ở Viên để tiếp tục việc học. Vào ngày 25 tháng 6 năm 1870, ông được triệu hồi về Paris, nơi mẹ ông thoái vị để ủng hộ ông, trước sự chứng kiến của một số quý tộc Tây Ban Nha, những người đã gắn vận mệnh của họ với vận mệnh của nữ vương lưu vong. Ông lấy vương hiệu là Alfonso XII, mặc dù không có vị vua nào của Tây Ban Nha thống nhất nào mang lấy vương hiệu "Alfonso", nhưng chế độ quân chủ Tây Ban Nha được coi là liên tục với chế độ quân chủ cổ xưa hơn được đại diện bởi 11 vị vua của Vương quốc Asturias, Vương quốc León và Vương quốc Castilla cũng lấy vương hiệu là Alfonso.[6]
Lưu vong
Năm 1868, nữ vương Isabel cùng chồng chạy khỏi Tây Ban Nha, Alfonso cũng theo họ sang Paris. Cuộc lưu vong này đã đem lại nhiều trải nghiệm có ích cho Alfonso khi ông được tiếp xúc với hệ thống chính trị Pháp, Anh và Áo. Trên thực tế, Alfonso là trữ quân Tây Ban Nha đầu tiên được đào tạo trong các cơ sở giáo dục và quân sự nước ngoài.
Ở Paris, Isabel gửi Alfonso đi học tại cao đẳng Stanislas. Ngày 29 tháng 6 năm 1869, nữ vương và gia đình tạm trú ở Genève, Alfonso học một trường ở đây. Sau, ông nhập học học viện Theresia (Viên). Ngày 25 tháng 6 năm 1870, nữ vương Isabel gọi ông về Paris nhận nhường ngôi. Trước sự chứng kiến của đông đảo quý tộc Tây Ban Nha trung thành với nữ vương, Alfonso xưng làm vua, lấy vương hiệu là Alfonso XII. Từ thời Tây Ban Nha thống nhất (1492) chưa có ông vua nào hiệu Alfonso, nên Alfonso XII muốn khẳng định sự tiếp nối với các vương triều Tây Ban Nha trước năm 1492, khi đó có 11 vua các xứ Asturias, León và Castilla xưng hiệu Alfonso.[6]
Trung hưng
Nền cộng hòa mới được thành lập sớm trở nên bất ổn. Các lãnh đạo cộng hòa bất đồng nhau, lại bất lực đối phó với cuộc chiến ở Tây Ban Nha, những cuộc khởi nghĩa của nhân dân Hồi giáo ở Maroc. Lợi dụng thời cơ, người bảo hoàng vây cánh Carlos ra sức chống phá, chiếm Catalunya và Basque. Năm 1872, chiến tranh Carlos lần thứ ba bùng nổ. Các đại biểu phe bảo thủ trong chính phủ cộng hòa, dẫn đầu là Canovas del Castillo quyết định phò tá nhà Borbón trung hưng, lập Alfonso XII làm vua.
Tháng 6 năm 1870, Canovas thuyết phục nữ vương Isabel nhường ngôi cho Alfonso, như đã nêu ở phần trên. Cánovas chưa gọi Alfonso về vội, mà muốn đứng ra lo việc giáo dục vị vua tương lai. Canovas gửi Alfonso đến học Cao đẳng Quân sự Hoàng gia, Sandhurst ở Anh Quốc, tại đây Alfonso được hiểu biết về nền quân chủ lập hiến.
Ngày 1 tháng 12 năm 1874, để đáp lại lời chúc mừng sinh nhật từ những người ủng hộ, Alfonso ban bố Tuyên ngôn Sandhurst, đặt nền tảng về ý thức hệ cho cuộc trung hưng nhà Borbón. Ngày 29 tháng 12 năm 1874 xảy ra cuộc đảo chính của chuẩn tướng Martínez Campos, người từ lâu đã làm việc ít nhiều công khai vì lợi ích của nhà vua. Campos dẫn một số tiểu đoàn vào Sagunto, chiêu dụ binh sĩ cộng hòa, rồi tiến vào Valencia dưới danh nghĩa nhà vua. Chính phủ cộng hòa sụp đổ, quyền lực chuyển giao cho Antonio Cánovas.[6] Canovas làm thủ tướng; tháng 1 năm 1874, Alfonso về Madrid, khi đi qua Barcelona và Valencia được nhân dân chào đón nồng nhiệt. Ông được tôn là Quốc vương trước quốc hội.
Dưới triều đại mình, Alfonso chú tâm vào việc củng cố nền quân chủ và ổn định chính quyền, khắc phục hậu quả của những cuộc đấu đá nội bộ thời trước. Nhờ đó ông được đặt biệt danh là "Người kiến tạo hòa bình" (el Pacificador). Ông đã phê chuẩn hiến pháp mới năm 1876; cùng năm này, chính phủ phát động tổng tấn công đánh phe Carlos, đứng đầu là Carlos, công tước xứ Madrid. Trong chiến dịch này, nhà vua đích thân ra quan sát trận tuyến. Quân chính phủ do các tướng Martínez-Campos và Jenaro Quesada chỉ huy đã đánh bại hoàn toàn phe Carlos. Năm 1878, hòa ước Zanjón được ký kết, tạm chấm dứt cuộc chiến tranh ở Tây Ban Nha.
Năm 1878 và 1879, vua Alfonso hai lần bị người theo chủ nghĩa vô chính phủ ám sát, nhưng ông thoát chết.
Alfonso XII có chuyến thăm chính thức tới Bỉ, Áo, Đức và Pháp năm 1883. Tại Đức, ông nhận chức đại tá danh dự một trung đoàn đồn trú Alsace – vùng đất mà Đức vừa chiếm từ tay Pháp năm 1871. Động thái này đã khiến nhà vua bị dân Paris phản ứng tiêu cực khi ông sang thăm Pháp.
Thời Alfonso đã xảy ra tranh chấp chủ quyền quần đảo Caroline (Thái Bình Dương) giữa Tây Ban Nha và Đức. Xung đột chấm dứt với thỏa thuận năm 1885 công nhận chủ quyền của Tây Ban Nha đối với quần đảo Caroline; tuy nhiên, Tây Ban Nha phải nhượng quần đảo Marshall và cho phép Đức lập căn cứ hải quân trên quần đảo Caroline.
Theo nhận xét của Từ điển Bách khoa Anh, Alfonso XII là vị vua nhân từ, được nhân dân mến mộ vì liều mình đi thăm các quận bị dịch tả hoành hành và động đất tàn phá năm 1885. Ông cũng rất giỏi xử sự với quan chức và không để mình làm công cụ cho bất kỳ một đảng phái nào. Trong thời trị vì ngắn ngủ của ông, Tây Ban Nha và các thuộc địa đều yên ổn, nền tài chính trôi chảy và hệ thống hành chính vững chắc giúp Tây Ban Nha vượt qua cuộc chiến tranh đầy thảm họa với Hoa Kỳ năm 1898 mà không gặp nguy cơ cách mạng.[6]
Qua đời
Vào tháng 11 năm 1885, Alfonso qua đời ở tuổi 27 tại Cung điện Hoàng gia El Pardo gần Madrid. Ông vốn mắc bệnh lao phổi, nhưng nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết của ông là do bệnh kiết lỵ tái phát.[7]
Năm 1902, người vợ góa của ông là Maria Cristina đã khởi xướng một cuộc thi quốc gia nhằm xây dựng tượng đài để tưởng nhớ Alfonso. Thiết kế của José Grases Riera dành chiến thắng và được xây dựng trong một hồ nước nhân tạo ở Công viên Buen Retiro, Madrid vào năm 1922.
Gia phả
Chú thích
- ^ In the languages of Spain, his name was:
- Aragonese: Alifonso XII
- Asturian: Alfonsu XII
- Basque: Alfontso XII
- Catalan: Alfons XII
- Occitan: Anfós XII
- Galician: Afonso XII
- Spanish: Alfonso XII
Tham khảo
- ^ Juan Sisinio Pérez Garzón, Isabel II: Los Espejos de la Reina (2004)
- ^ “Maria Nieves Michavila presenta un libro sobre la paternidad del hijo de la reina Isabel II”. 11 tháng 2 năm 2016.
- ^ Bermúdez Ruíz-Cabello, María Inmaculada (2013). “Influencias en la imagen pública y privada de una reina: Isabel II (1833–1868)”. Aportes. 28 (83): 129. ISSN 0213-5868.
- ^ Burgo Tajadura, Jaime Ignacio del (2008). Boletín de la Real Academia de la Historia, p. 242: "A few months later, on the night of November 28 at 10:15, the queen gave birth to a child, who in time would be Alfonso XII, to whom the tongues, more or less deridingly, gave the name of Puigmoltejo". ISSN 0034-0626.
- ^ “El puñal del godo en la familia Borbón”. 30 tháng 6 năm 2017.
- ^ a b c d Một hoặc nhiều câu trước bao gồm văn bản từ một ấn phẩm hiện thời trong phạm vi công cộng: Chisholm, Hugh biên tập (1911). “Alphonso s.v. Alphonso XII.”. Encyclopædia Britannica. 1 (ấn bản thứ 11). Cambridge University Press. tr. 736.
- ^ "Death of the King of Spain", The Times (26 November 1885): 7.