Ki-tô

Bức linh ảnh Chúa Kitô Đấng Toàn năng, thế kỷ 6 tại Tu viện Thánh Catarina (Sinai). Hai biểu hiện khác nhau trên mỗi nửa khuôn mặt thể hiện hai bản tính thần linh và nhân loại của Giêsu Kitô hiệp nhất trong một ngôi vị.

Ki-tô, hay Cơ-đốc, là danh xưng cũng như danh hiệu mà tất cả các Kitô hữu dùng để đề cập tới Giê-su.[1][2][3] Theo đó danh hiệu này được gọi trong cách kết hợp là ‘Đức Ki-tô Giê-su’, nghĩa là ‘Đấng Messiah Giê-su’, hoặc gọi độc lập là ‘Đức Ki-tô’. Các thư tín của sứ đồ Phao-lô trong Tân Ước thường dùng cách gọi ‘Đức Ki-tô Giê-su’, hoặc ‘Đức Ki-tô’.

Trong Kitô giáo, khái niệm về Đấng Kitô xuất phát từ khái niệm về đấng messiah trong Do Thái giáo. Các Ki-tô hữu tin rằng Giê-su là đấng mê-si-a đã được tiên báo trong Kinh Thánh Hebrew, tức Cựu Ước theo Kitô giáo. Ý niệm về đấng messiah trong hai tôn giáo tương tự nhau nhưng phần lớn trở nên khác biệt theo sau sự chia tách giữa Ki-tô giáo sơ khởi và Do Thái giáo trong thế kỷ thứ nhất.

Mặc dù các môn đệ đầu tiên tin rằng Giê-su là đấng Messiah của người Do Thái, chẳng hạn như trong lời tuyên xưng của sứ đồ Phê-rô, nhưng Giê-su thường được gọi là ‘Giê-su thành Nazareth’, hoặc ‘Giê-su, con ông Giu-se’. Sau đó, cách gọi ‘Đức Giê-su Ki-tô’ (nghĩa là ‘Giê-su Đấng Ki-tô’) được dùng bởi các Ki-tô hữu vì họ tin rằng cuộc khổ hìnhsự phục sinh của Giê-su ứng nghiệm những lời tiên tri trong Cựu Ước.

Từ nguyên

Từ ‘Kitô’ bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp Χριστός Khristós, nghĩa là ‘đấng được xức dầu’, chuyển sang tiếng LatinhChristus, tự dạng tiếng Pháp và tiếng Anh là Christ. Trong Kinh Thánh Septuaginta, χριστός là từ mượn dịch nghĩa của từ מָשִׁיחַ māšîaḥ trong tiếng Hebrew, nghĩa là ‘(đấng) được xức dầu’.

Cristo là cách gọi trong tiếng Bồ Đào Nha, dẫn đến phiên âm tiếng Trung là 基利斯督 Jīlìsīdū (âm Hán Việt: Cơ-lợi-tư-đốc), tiếng Nhật là キリスト Kirisuto. Sau đó tiếng Trung rút ngắn thành 基督 Cơ-đốc. Trong tiếng Việt, từ đầu thế kỷ 17 tới đầu thế kỷ 20 các văn bản chữ Nôm dùng phổ biến tự dạng 基移吹蘇, phiên sang chữ Quốc ngữKi-ri-xi-tô. Từ năm 1950, Công giáo Việt Nam thống nhất dùng từ Ki-tô.[4]

Chú thích

  1. ^ Prager, Edward (2005). A Dictionary of Jewish-Christian Relations. tr. 85. ISBN 0-521-82692-6.
  2. ^ Zanzig, Thomas (2000). Jesus of history, Christ of faith. tr. 33. ISBN 0-88489-530-0.
  3. ^ Espin, Orlando (2007). An Introductory Dictionary of Theology and Religious Studies. tr. 231. ISBN 978-0-8146-5856-7.
  4. ^ Nguyễn Long Thao (2008). “Đặc ngữ Công giáo Việt Nam: Tìm hiểu các danh xưng Kirixitô - Kitô - Gia Tô - Cơ Đốc”.