Lưu Khánh (Đông Hán)
Hán Đức Hoàng 漢德皇 | |||||
---|---|---|---|---|---|
Hoàng tử nhà Hán | |||||
Hoàng thái tử Đại Hán | |||||
Tại vị | 79 - 82 | ||||
Tiền nhiệm | Lưu Đát | ||||
Kế nhiệm | Lưu Triệu | ||||
Thông tin chung | |||||
Sinh | 78 Kiến Sơ năm thứ 3 Lạc Dương | ||||
Mất | 107 (?) Vĩnh Sơ nguyên niên Thanh Hà quốc (nay Lâm Thanh, Sơn Đông) | ||||
An táng | Cam Lăng (甘陵) | ||||
Thê thiếp | Cam Lăng Đại quý nhân Tả Tiểu Nga | ||||
Hậu duệ | xem văn bản | ||||
| |||||
Thân phụ | Hán Chương Đế | ||||
Thân mẫu | Tống Quý nhân |
Lưu Khánh (chữ Hán: 劉慶; 78 - 1 tháng 2, 107), cũng gọi Thanh Hà Hiếu vương (清河孝王), một hoàng tử nhà Hán, là con trưởng của Hán Chương Đế Lưu Đát và là cha ruột của Hán An Đế Lưu Hỗ.
Cuộc đời
Thái tử bị phế truất
Lưu Khánh sinh năm Kiến Sơ thứ 3 (78), mẹ là Quý nhân Tống thị người Bình Lăng, quận Phù Phong (nay là Bảo Kê, Thiểm Tây), cháu 8 đời của Trung úy thời Tây Hán là Tống Xương (宋昌), cha là Tống Dương (宋楊), có cô mẫu là ngoại tổ mẫu của Minh Đức Mã hoàng hậu. Khi đó Mã Thái hậu nghe nói nhà họ Tống có hai cô con gái có tài sắc, bèn triệu vào Dịch đình. Tống thị được sủng, sinh ra Lưu Khánh. Năm Kiến Sơ thứ 4 (79), lập làm Hoàng thái tử.
Năm Kiến Sơ thứ 7 (82), Tống Quý nhân lâm bệnh, cơn bệnh khiến bà rất thèm Chi Tơ hồng nên yêu cầu gia đình đưa vào cung. Nhân đó, Chương Đức Đậu hoàng hậu tố cáo Tống quý nhân đưa vật lạ vào cung để làm trò phù thủy. Các Hoàng đế nhà Hán sau sự kiện của Hán Vũ Đế, đã rất nhạy cảm đến chuyện đồng cốt, pháp sư ở trong cung, việc này khiến Hán Chương Đế nổi trận lôi đình, liền phế truất Thái tử Lưu Khánh thành Thanh Hà vương (清河王). Tống Quý nhân cùng người em gái bị phế và bị giải vào ngục và bị ép uống rượu độc tự vẫn[1]. Ngôi Thái tử thuộc về người em là Lưu Triệu mới 9 tuổi.
Diệt họ Đậu
Năm Chương Hòa thứ 2 (88), Hán Chương Đế băng, Thái tử Lưu Triệu kế vị, tức Hán Hoà Đế. Do còn nhỏ, Đậu hoàng hậu trở thành Hoàng thái hậu, lâm triều nhiếp chính, anh của Thái hậu là Đậu Hiến tham dự triều đình, trở thành ngoại thích có quyền thế.
Thanh Hà vương Lưu Khánh vẫn ở lại kinh sư, chưa về đất phong Thanh Hà quốc, ông cả đời tuân kỷ thủ pháp, cẩn thận chặt chẽ, không có cái gì sai lầm. Khi ấy, Đậu Thái hậu lâm triều, có anh là Đậu Hiến làm bại hoại triều đình, Lưu Khánh đã cùng với hoạn quan Trịnh Chúng khích lệ Hoà Đế khiến Hoà Đế phát động chính biến để tiêu diệt nhà họ Đậu. Năm Vĩnh Nguyên thứ 4 (92), Hán Hòa Đế quyết định làm chính biến, tiêu diệt dòng họ Đậu một cách gọn ghẽ và nhanh chóng, trong đó có công lao không nhỏ của Thanh Hà vương Lưu Khánh. Nhờ đó, ông được Hán Hoà Đế ban tặng 2 chị em họ Tả là Tả Đại Nga cùng Tả Tiểu Nga. Năm Vĩnh Nguyên thứ 6 (94), con trai ông là Lưu Hỗ ra đời do Tả Tiểu Nga sinh ra. Sau này khi Hòa Đế biết được mẹ ruột của mình không phải là Đậu thái hậu, Lưu Khánh cũng nhân đó xin vua em cho phép cải táng cho Tống Quý nhân thân mẫu của mình. Hòa Đế chấp thuận và ban thêm các đồ cúng cho Lưu Khánh dùng để tế lễ bà Quý nhân.
Năm Nguyên Hưng nguyên niên (105), Hán Hòa Đế qua đời khi mới 27 tuổi. Lưu Khánh được tin này thì quá đau buồn đến nỗi nôn ra máu và rồi đau yếu đến tận khi mất. Chính cung của Hòa Đế là Đặng Tuy trở thành Hoàng thái hậu, và lập con nhỏ của Hòa Đế là Lưu Long kế vị, sử gọi Hán Thương Đế. Năm Diên Bình nguyên niên (106), Lưu Khánh bị buộc trở về đất phong Thanh Hà quốc, nay là Lâm Thanh, Sơn Đông. Tuy nhiên Đặng Thái hậu có linh cảm rằng Thương Đế khó có khả năng sống lâu, mà lại không nghe theo lời quần thần lập Bình Nguyên Vương Lưu Thắng, nên bà ta cho lại giữ Lưu Hỗ và chính thất của Thanh Hà vương Khánh là Cảnh Cơ ở trong cung.
Sau khi Lưu Khánh về nước không lâu thì Thương Đế cũng chết yểu, con trai ông là Lưu Hỗ liền được lập lên ngôi, tức Hán An Đế. Đặng Thái hậu vì muốn cô lập tân đế, nên cũng đuổi Cảnh Cơ trở về Thanh Hà quốc. Lúc này, Thanh Hà vương Lưu Khánh đã mắc bệnh nên không có tầm ảnh hưởng gì đối với triều đình, nơi mà con trai ông đang làm Hoàng đế.
Ngày 1 tháng 2 năm 107, Thanh Hà vương Lưu Khánh qua đời, hưởng dương 29 tuổi, trước khi mất ông có trăn trối là muốn được chôn bên cạnh Tống quý nhân - thân mẫu của mình. Thụy hiệu là Hiếu (孝).
Năm Diên Quang nguyên niên (121), Đặng Thái hậu qua đời. Ngày 2 tháng 5 năm ấy, Hán An Đế Lưu Hỗ bắt đầu truy tặng thụy hiệu cho cha mình làm [Hiếu Đức Hoàng; 孝德皇], mộ phần đổi gọi Cam Lăng (甘陵)[2].
Gia đình
- Thân phụ: Hán Chương Đế Lưu Đát.
- Thân mẫu: Tống Quý nhân, sau được truy tặng làm Kính Ẩn hoàng hậu (敬隱皇后).
- Thê thiếp:
- Cảnh Cơ [耿姬], người quận Phù Phong, tổ phụ Cảnh Thư (耿舒) - em trai của Khai quốc công thần Hảo Chỉ Mẫn hầu Cảnh Yểm (耿弇). Được An Đế suy tôn Cam Lăng Đại Quý nhân (甘陵大贵人).
- Tả Tiểu Nga [左小娥], sau suy tôn Hiếu Đức hoàng hậu (孝德皇后).
- Tả Đại Nga [左大娥].
- Con trai:
- Hán An Đế Lưu Hỗ [劉祜], mẹ là Tả Tiểu Nga.
- Lưu Uy Vũ [劉虎威], kế vị Thanh Hà vương, thụy là Mẫn vương (湣王).
- Lưu Thường Bảo [刘常保], nhậm tước Quảng Xuyên vương (廣川王).
- Con gái:
- Lưu Thị Nam [劉侍男], năm Diên Quang nguyên niên (121) thụ tước Niết Dương Trưởng công chúa (涅暘長公主), lấy Vũ Dương hầu Sầm Hi (岑熙) - cháu cụ của Khai quốc công thần Sầm Bành (岑彭)[3][4].
- Lưu Diệt Đắc [劉彆得], năm Diên Quang nguyên niên (121) thụ tước Vũ Âm Trưởng công chúa (舞陰長公主), lấy Cao Mật hầu Đặng Bao (鄧褒) - cháu cụ nội của Cao Mật hầu Đặng Vũ[4][5].
- Lưu Cửu Trường [劉久長], năm Diên Quang nguyên niên (121) thụ tước Bộc Dương Trưởng công chúa (濮暘長公主), lấy Hảo Chỉ hầu Cảnh Lương (耿良) - cháu nội của Khai quốc công thần Cảnh Yểm (耿弇)[4][6].
- Lưu Trực Đắc [劉直得], năm Diên Quang nguyên niên (121) thụ tước Bình Thị Trưởng công chúa (平氏長公主), lấy Chinh Khương hầu Lai Định (来定) - cháu cụ nội của Khai quốc công thần Lai Hấp (来历)[4][7].
- Lưu Hiền Đắc [劉堅得], thụ tước Âm Thành công chúa (陰城公主), lấy Định Viễn hầu Ban Thủy (班始) - cháu của Ban Siêu. Công chúa cậy mình là cô của Hán Thuận Đế, gian dâm vô đạo, đem tình nhân vào phủ trướng dâm ô. Ban Thủy không chịu nhục, giết chết công chúa, bị Thuận Đế xử tử[8][9].
- Còn bảy con gái khác, đều chết yểu.
Xem thêm
Tham khảo
- ^ 後漢書, 卷55:章帝八王列傳-第四十五: 後於掖庭門邀遮得貴人書,云「病思生菟,令家求之」,因誣言欲作蠱道祝詛,以菟為厭勝之術,日夜毀譖,貴人母子遂漸見疏。
- ^ 後漢書/卷55 - 清河孝王慶: 太后崩,有司上言:「清河孝王至德淳懿,載育明聖,承天奉祚,為郊廟主。漢興,高皇帝尊父為太上皇,宣帝號父為皇考,序昭穆,置園邑。*(太)**[大]*宗之義,舊章不忘。宜上尊號曰孝德皇,皇妣左氏曰孝德後,孝德皇母宋貴人追謚曰敬隱後。」乃告祠高廟,使司徒持節與大鴻臚奉策書璽綬*[之]*清河,追上尊號;又遣中常侍奉太牢祠典,護禮儀侍中劉珍等及宗室列侯皆往會事。尊陵曰甘陵,廟曰昭廟,置令、丞,設兵車周□,比章陵。復以廣川益清河國。尊耿姬為甘陵大貴人。又封女弟侍男為涅陽長公主,別得為舞陰長公主,久長為濮陽長公主,直得為平氏長公主。余七主並早卒,故不及進爵。
- ^ 《后汉书》岑彭传:杞卒,子熙嗣,尚安帝妹涅阳长公主。少为侍中、虎贲中郎将,朝廷多称其能。迁魏郡太守,招聘隐逸,与参政事,无为而化。
- ^ a b c d 《后汉书》章帝八王列传:尊耿姬为甘陵大贵人。又封女弟侍男为涅阳长公主,别得为舞阴长公主,久长为濮阳长公主,直得为平氏长公主。
- ^ 《后汉书》邓禹传:成卒,子褒嗣。褒尚安帝妹舞阴长公主,桓帝时为少府。褒卒,长子某嗣。少子昌袭母爵为舞阴侯,拜黄门侍郎。
- ^ 《后汉书》耿弇传:冯卒,子良嗣,一名无禁。延光中,尚安帝妹濮阳长公主,位至侍中。良卒,子协嗣。
- ^ 《后汉书》来歙传:来历子定嗣。定尚安帝妹平氏长公主,顺帝时,为虎贲中郎将。
- ^ 《后汉书》班超传:班超长子雄。雄卒,子始嗣,尚清河孝王女阴城公主。主顺帝之姑,贵骄淫乱,与嬖人居帷中,而召始入,使伏床下。始积怒,永建五年,遂拔刃杀主。帝大怒,腰斩始,同产皆弃市。
- ^ 《后汉书》志第十一 天文中:又定远侯班始尚阴城公主坚得,斗争杀坚得,坐要斩马市,同产皆弃市。
- Lê Đông Phương, Vương Tử Kim (2007), Kể chuyện Tần Hán, Nhà xuất bản Đà Nẵng
- Đặng Huy Phúc (2001), Các hoàng đế Trung Hoa, Nhà xuất bản Hà Nội