Người tố giác
Người thổi còi hoặc người tố giác[1] (tiếng Anh: whistleblower) là một người làm rò rỉ, tiết lộ ra công cộng, các thông tin chung quan trọng được giữ bí mật cho quần chúng. Thông thường các thông tin này là về các lạm dụng hoặc tội phạm như tham nhũng, giao dịch nội gián, vi phạm nhân quyền, lạm dụng dữ liệu hoặc các mối nguy hiểm chung, mà những người tố giác phát hiện tại nơi làm việc của mình, hoặc trong các liên hệ, bối cảnh khác. Nói chung, điều này liên quan chủ yếu đến các quá trình chính trị, chính quyền và các doanh nghiệp thương mại.
Những Whistleblower thường được quần chúng trọng nể, vì đã tạo nên sự minh bạch và dám đưa mình vào những hiểm nguy, ảnh hưởng đến cả việc làm, đời sống hoặc tính mạng mình. Thường thì những người tố cáo sẽ bị bắt nạt, mất việc làm của họ hoặc vì bị đưa ra tòa vì đã tiết lộ bí mật. Đặc biệt là trong các chủ đề gây nhiều tranh cãi như buôn bán vũ khí, tội phạm có tổ chức hoặc tham nhũng của chính phủ, đã có trường hợp người tố cáo bị giết chết hoặc đột ngột qua đời ở độ tuổi tương đối trẻ một cách bí ẩn hoặc bị cho là đã tự sát. Ở một số nước Whistleblower được hưởng sự bảo vệ pháp lý đặc biệt.
Các thông tin được cung cấp thường có tính chất nhạy cảm và có thể làm hư hại danh tiếng của các cá nhân và tổ chức. Ngoài ra còn có những trường hợp trong đó các chính phủ hay các nhà lãnh đạo đã buộc phải từ chức vì những sự công bố như vậy như vụ Watergate. Do đó, các phương tiện truyền thông, tổ chức, các nhóm tiết lộ như Wikileaks thường cố gắng kiểm tra kỹ lưỡng độ tin cậy và tính xác thực của các thông tin trước khi công bố. Làm như vậy cũng để bảo vệ bản thân trước những lời cáo buộc sau này là thiếu sự chính xác và bị lợi dụng. Whistleblower thường là nguồn chính hoặc duy nhất cho các nhà báo điều tra, làm việc để phát hiện ra các sự cố chính trị hoặc các vụ bê bối kinh tế.
Tổng quan
Nguồn gốc của thuật ngữ
Thuật ngữ người thổi còi (whistleblower) bắt nguồn từ cụm từ to blow a whistle, cái còi trọng tài sử dụng để chỉ ra những hành động phạm luật hay chơi xấu, hay cảnh sát bắt gặp những hành động bất hợp pháp.[2][3]
Những báo cáo có thể được tiết lộ trong:
Nội bộ
Hầu hết những tố cáo xảy ra trong nội bộ, người báo cáo hành vi sai trái của một đồng nghiệp hoặc cấp trên trong phạm vi công ty của họ. Một trong những câu hỏi thú vị nhất đối với người tố cáo nội bộ là tại sao và trong hoàn cảnh nào làm người ta hành động ngay tại chỗ để ngăn chặn hành vi bất hợp pháp mà không thể chấp nhận được hoặc báo cáo nó.[4]
Bên ngoài
Một số người báo cáo các hành vi sai trái cho những người hoặc tổ chức bên ngoài. Trong những trường hợp này, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và bản chất của thông tin, người tố cáo có thể báo cáo các hành vi sai trái cho các luật sư, các phương tiện truyền thông, cơ quan thực thi pháp luật hoặc cơ quan giám sát, bảo vệ người tiêu thụ, hoặc địa phương, tiểu bang, hoặc các cơ quan liên bang khác. Trong một số trường hợp, việc báo cáo ra bên ngoài được khuyến khích bằng cách cung cấp tiền thưởng.
Bên thứ ba
Dịch vụ của bên thứ ba liên quan đến việc sử dụng một cơ quan bên ngoài để thông báo cho các cá nhân đứng đầu một tổ chức về hành vi sai trái, mà không tiết lộ danh tính của người tố giác. Đây là một hiện tượng tương đối mới và đã được phát triển do việc phân biệt đối xử với người báo cáo. International Whistleblowers là một ví dụ của một tổ chức có liên quan tới việc cung cấp dịch vụ bên thứ ba cho người tố cáo.
Chú thích
- ^ “NWC_Global Wildlife Whistleblower Program” (PDF). Trung tâm Tố giác Quốc gia Hoa Kỳ. Truy cập ngày 14 tháng 4 năm 2021.
- ^ “Etymonline.com”. Etymonline.com. Truy cập ngày 8 tháng 7 năm 2012.
- ^ “Wordorigins.org”. Wordorigins.org. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 5 năm 2012. Truy cập ngày 8 tháng 7 năm 2012.
- ^ Dealing with—or reporting—"unacceptable" behavior (with additional thoughts about the "Bystander Effect") Mary Rowe MIT, Linda Wilcox HMS, Howard Gadlin NIH (2009), Journal of the International Ombudsman Association 2(1), online at ombudsassociation.org Lưu trữ 2011-02-18 tại Wayback Machine