Bốn hình hài

Bức họa của Raffael về Thiên Chúa và Bốn hình hài (Bốn con vật)

Bốn hình hài (Tetramorph) hay còn gọi là bốn sinh vật là một sự sắp xếp tượng trưng của bốn (4) thành phần khác nhau, hoặc sự kết hợp của bốn phần tử khác nhau trong cùng một đơn vị. Thuật ngữ này có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp là từ tetra, có nghĩa là bốn, và morph có nghĩa là hình dạng, hình hài. Những bằng chứng khảo cổ học cho thấy con người từ thời kỳ đầu đã chia thế giới quan thành bốn phần tư đường chân trời, hay không gian, sau này là nơi tế lễ, chẳng hạn như đền thờ, các cơ sở thờ tự và quy các đặc điểm cũng như phẩm chất tâm linh cho mỗi phần tư theo nguyên lý số bốn hay tứ diện để sắp xếp các thứ, vật theo những trật tự tín ngưỡng nhất định.

Thư trong triết lý phương Đông và phong thủy, người ta chia trời đất làm tứ phương/bốn phương trời (sau đó gộp thêm thành tám hướng), mỗi phương trời gắn với một con thánh thú gọi là tứ thánh thú (tứ tượng). Kinh Thánh có nhắc đến hình ảnh của Bốn sinh vật lần đầu tiên là trong thị kiến của Ezechiel (phát âm như là: Êdêkien/Ê-xê-chi-ên/Êzechiel) mô tả 4 sinh vật (hayyoth/tiếng Do Thái: חַיּוֹת/ḥayyōṯ) này như sau: “bộ mặt của chúng, thì chúng đều có mặt người, cả bốn đều có mặt sư tử bên phải, cả bốn đều có mặt bò rừng bên trái, cả bốn đều có mặt phượng hoàng. Đó là mặt của chúng, vòn cánh của chúng thì giương lên cao, mỗi sinh vật có hai cánh giáp vào nhau và hai cánh khác phủ thân mình” (Ed 1,10-11).

Nguồn gốc

Tại Hy Lạp từ cổ xưa đã có biểu tượng Tetramorph (4 hình hài) được khảo cổ học khai quật được, theo tiếng Hylạp là Tetramorph: tetra là bốn, Morphe là hình hài, được dùng để chỉ gọi cho bốn Thánh sử viết phúc âm. Nguồn gốc của Tetramorphe có lẽ bắt nguồn ở thần thoại xứ Babylon, nơi có bốn vị Thần hành tinh. Theo thần thoại Babylon thì có 4 vị thần hành tinh trong đó, thần Marduk là vị thần của xứ Babylon hiện thân dưới hình dạng một con vật như con , Thần Nergal là vị thần chiến tranh dưới hình ảnh con sư tử, thần Nimortra là thần gió hình dạng con chim đại bàng và thần Nabu là vị thần khôn ngoan dưới dạng mặt người. Bốn vị thần thường được điêu khắc trình bày quay ra bốn phương hướng của vòm trời, nơi mỗi vị như cột trụ chống đỡ cho bầu trời và như bốn chiếc cột chống đỡ vòm trời để tách đất khỏi trời phân biệt với trái đất địa cầu. Họ là những người chống đỡ cho vòm trời được giương cao đứng vững.

Ký họa cảnh Ezechiel nhìn thấy Thiên Chúa và ghi chép lại

Bốn vị thần này cũng đại diện cho bốn vụ mùa trong năm, theo đó, mùa xuân là con bò, mùa hè là con sư tử, mùa đông là con đại bàng và mùa thu mang hình người. Theo thời cổ xưa số 4 như là con số chỉ về sự tận cùng kết thúc và thế giới được phân định qua những phương hướng của bầu trời. Cấu trúc theo bốn số cũng là vòng tuần hoàn của năm. Bốn vị thần Babylon như những biểu tượng của bốn mùa trong năm là Hình sao con bò cho mùa Xuân, hình sao con sư tử cho mùa Hè, hình sao con bọ cạp mà thường vẽ dưới dạng hình người biểu tượng cho mùa Thu, và hình con chim đại bàng biểu trưng cho mùa Đông. Những vị Thần Babylon này đứng là biểu tượng khác thường cho trật tự trong thế giới với những đặc điểm cùng phận vụ khác nhau như những vị đỡ nâng cho bầu trời được đứng vững.

Ông Ezechiel trong thời kỳ người Do Thái bị lưu đày ở Babylon, tại đó, các biểu tượng kết hợp nhiều hình ảnh tương tự có nguồn gốc từ Ai Cập và Lưỡng Hà đang khá phổ biến (như tượng nhân sư Ai Cập kết hợp người và sư tử) và vị tiên tri đã chịu ảnh hưởng của kiểu văn hoá biểu tượng kết hợp. Tương truyền, Ngôn sứ bị lưu đầy ở Babylon thế kỷ thứ 6 Trước công nguyên và thị kiến thấy được sức mạnh, quyền uy của Thiên Chúa qua hình ảnh con sư tử là Chúa sơn lâm trên muôn loài dũng mãnh, con đại bàng là chúa tể bầu trời, con bò là con vật thuần hóa rất gắn bó với con người. Những hình ảnh thần thoại Babylon về bốn con vật kỳ vĩ này được tác giả ngôn sứ Ezechiel viết lại trong sách Kinh Thánh, để diễn tả về ngai Thiên Chúa trong trí óc mường tượng của mình.

Những hình ảnh mà tiên tri đã mô tả tương ứng với 4 biểu tượng trong chiêm tinh Babylon gồm con bò tượng trưng cho chòm sao Kim Ngưu, con Sư tử tượng trưng cho chòm sao Sư Tử, đại bàng cho chòm sao Bọ Cạp (Hổ Cáp, Thiên Yết), và con người cho chòm Bảo Bình. Các tín hữu thời sơ khai đón nhận các biểu tượng này và gán chúng cho 4 vị Thánh Sử, và từ thế kỷ thứ V thì đã có sự thay đổi ý nghĩa của chúng cho đến ngày nay. Ngôn sứ Ezechiel qua cung cách dùng hình ảnh thấn thoại này của dân ngoại Babylon muốn trình bày về Thiên Chúa, mà nhìn thấy hầu như khắp nơi bên Babylon. Sách ngôn sứ Isaia cũng chép: "Năm mà vua Út-di-gia-hu băng hà, tự nhiên tôi thấy Chúa Thượng ngự trên ngai rất cao, tà áo bao phủ Đền Thờ, phía bên trên, có các thần Xê-ra-phim đứng chầu. Mỗi vị có sáu cánh, hai cánh để che mặt, hai cánh để che chân và hai cánh để bay".

Trong Kinh thánh

Những hình ảnh này được lấy từ sách ngôn sứ Êdêkien 1, 1–12, trong Cựu ước, sách Ngôn sứ Êzechiel đã mô tả ngai Thiên Chúa như sau: "Ngày mồng năm tháng tư năm thứ ba mươi, lúc tôi đang ở giữa những người lưu đày, bên bờ sông Cơva,... Tôi nhìn, thì kìa ở chính giữa như có một kim loại lấp lánh, ở chính giữa lửa. Ở chính giữa, có cái gì tựa như bốn sinh vật. Đây là dáng vẻ của chúng: chúng trông giống như người ta. Mỗi sinh vật có bốn mặt và bốn cánh. Còn chân của chúng thì thẳng; bàn chân tựa bàn chân con bê, lấp lánh như đồng sáng loáng. Bên dưới cánh, có những bàn tay giống tay người quay về bốn phía; mặt và cánh của bốn sinh vật cũng đều như thế. Cánh của chúng giáp vào nhau. Lúc đi, chúng không quay mặt vào nhau, nhưng cứ thẳng phía trước mặt mà tiến. Còn bộ mặt của chúng, thì chúng đều có mặt người, cả bốn đều có mặt sư tử bên phải, cả bốn đều có mặt bò rừng bên trái, cả bốn đều có mặt phượng hoàng. Đó là mặt của chúng. Còn cánh của chúng thì giương lên cao. Mỗi sinh vật có hai cánh giáp vào nhau và hai cánh khác phủ thân mình. Chúng cứ thẳng phía trước mặt mà đi, thần khí đẩy phía nào, chúng đi phía đó, lúc đi chúng không quay mặt vào nhau" (Ezechiel 1, 5-12)

Họa phẩm Chúa Cha và Bốn sinh vật

Ngôn sứ Ezechiel trong thị kiến đã nhìn thấy bốn con vật có cánh quay nhìn về bốn hướng khác nhau bên ngai Thiên Chúa. Lần thứ hai mà 4 sinh vật trên xuất hiện trong Kinh Thánh là nơi chương 4, câu 7 của sách Khải Huyền của Thánh Gioan: “Ở giữa ngai và chung quanh ngai có bốn Con Vật, đằng trước và đằng sau đầy những mắt. Con Vật thứ nhất giống như sư tử, Con Vật thứ hai giống như bò tơ, Con Vật thứ ba có mặt như mặt người, Con Vật thứ bốn giống như đại bàng đang bay” Đây là thị kiến mà tác giả sách Khải Huyền mô tả về quang cảnh trước ngai toà Thiên Chúa, con Vật trên là 4 thụ tạo hằng ở trước ngai với đầy vẽ tráng lệ và huyền thoại này.

Sau này, cũng thống nhất trong cách thức tiếp cận sự kiện này từ trước, một tác phẩm khác là cuốn Sách Khải Huyền: 4, 6–8 cũng có đoạn viết tương tự và mô tả chi tiết các con vật: "Trước ngai có cái gì như biển trong vắt tựa pha lê. Ở giữa ngai và chung quanh ngai có bốn Con Vật, đằng trước và đằng sau đầy những mắt. Con Vật thứ nhất giống như sư tử, Con Vật thứ hai giống như bò tơ, Con Vật thứ ba có mặt như mặt người, Con Vật thứ bốn giống như đại bàng đang bay. Bốn Con Vật ấy, mỗi con có sáu cánh, chung quanh và bên trong đầy những mắt. Ngày đêm chúng không ngừng kêu lên rằng: Thánh! Thánh! Thánh!"

Cụ thể, Sách Khải Huyền Chương 4, câu 7: Khải Huyền-Chương 04: "Sau đó, tôi được một thị kiến. Kìa một cái cửa mở ra ở trên trời, và tiếng mà trước đây tôi nghe nói với tôi như thể tiếng kèn, bảo tôi rằng: "Lên đây, Ta sẽ chỉ cho ngươi thấy những điều phải xảy ra sau đó". Lập tức tôi xuất thần. Kìa một cái ngai đặt ở trên trời và có một Đấng ngự trên ngai. Đấng ngự đó trông giống như ngọc thạch và xích não. Chung quanh ngai có cầu vồng trông giống như bích ngọc. Từ ngai phát ra ánh chớp chớp, tiếng sấm sét. Trước ngai có cái gì như biển trong vắt tựa pha lê. Ở giữa ngai và chung quanh ngai có bốn Con Vật, đằng trước và đằng sau đầy những mắt. Con Vật thứ nhất giống như sư tử, Con Vật thứ hai giống như bò tơ, Con Vật thứ ba có mặt như mặt người, Con Vật thứ bốn giống như đại bàng đang bay. Bốn Con Vật ấy, mỗi con có sáu cánh, chung quanh và bên trong đầy những mắt".

Trong Tân ước, sách Khải huyền, thánh Gioan tông đồ cũng mô tả ngai Thiên Chúa: “Trước ngai có cái gì như biển trong vắt tựa pha lê, ở giữa ngai và chung quanh có 4 con vật, đằng trước và đằng sau đầy những mắt. Con vật thứ nhất giống con sư tử. Con vật thứ hai giống con bò tơ. Con vật thứ ba giống mặt người. Con vật thứ tư giống con đại bàng đang bay. Bốn con vật đó, mỗi con có 6 cánh. Chung quanh và bên trong đầy những mắt. Ngày và đêm chúng không ngừng kêu lên: Thánh, Thánh, Thánh” (Kh 4,6-8). Hình ảnh bốn cánh và bốn đầu của người và những con vật vẽ ra hình ảnh tổng quát trình bày sức mạnh uy quyền của Thiên Chúa. Một số người cũng có suy tư là hình ảnh theo thứ tự: người, sư tử, con bò và chim đại bàng, còn nói lên thang cấp của uy quyền, con người là loài Thiên Chúa dựng nên giống hình ảnh của Ngài, sư tử là loài thú vật hoang dã, Con Bò là loài thú vật thực dụng cho con người và Đại bàng là loài chim trời, được trình bày tất cả có mặt bên ngai Thiên Chúa là vị kiến trúc sư tạo dựng nên vũ trụ, nên sự sống cho mọi loài trong trời đất.

Luận giải

Hình ảnh trong Thánh đường Abbazia di Sant'Angelo với biểu tượng Bốn hình hài (04 sinh vật)

Theo thị kiến trong sách ngôn sứ Ezechiel và sách Khải Huyền, bốn sinh vật đứng gần kề ngay bên ngai Thiên Chúa. Các Thánh giáo phụ đã đặt bốn sinh vật này cho bốn phúc âm của Chúa Giêsu. Bốn sinh vật như trong sách Ezechiel và sách Khải huyền nơi ngai Thiên Chúa là thành phần trực tiếp tham sự vào sự hiện diện của Thiên Chúa. Công thức Bốn hình hài (Tetramorph) và văn hóa Kitô giáo luôn luôn được chú trọng trong cắt nghĩa về những biểu tượng:

  • Phúc âm theo Thánh sử Mattheo với hình dạng con người biểu trưng cho sự nhập thể làm người của Chúa Giêsu.
  • Hình ảnh con bò biểu trưng cho sự hy sinh hiến tế đền tội trên thập giá của Chúa Giêsu.
  • Hình ảnh con sư tử biểu trưng cho sự sống lại của Chúa Giêsu và sự uy nghi dữ tợn nơi hoang địa.
  • Hình ảnh con chim đại bàng biểu trưng cho sự trở về trời của Chúa Giêsu và những tầm cao trong suy tư.

Việc lý giải có thể Ngôn sứ và tác giả Khải huyền bị chi phối bởi những truyền thuyết thần thoại khác nhau nên khi thị kiến cũng tường thuật khác nhau, nhưng đều có điểm chung là ngai Thiên Chúa và người được sai đến là Đức Kitô. Thánh giáo phụ Irenaeus của Lyon là người đã trình bày 4 biểu tượng từ sách Ngôn sứ và Khải huyền, ông cho rằng, Đức Chúa dũng mãnh đến thế gian qua hình tượng con sư tử, Linh mục lo phần tế tự qua hình ảnh con bò, Ngôi hai xuống thế làm người nên mang hình người, còn Thánh linh chính là hình ảnh đại bàng. Đến thế kỷ IV, Hieronimo đã sắp xếp con sư tử là Phúc âm Marcô vì ông nói đến tiếng kêu của Gioan trong hoang mạc. Hình con bò là biểu tượng của Phúc âm Luca vì ông nói đến Zacharias tế lễ bằng con bò. Phúc âm Gioan lại nói đến cao sang của Thiên Chúa nên mang biểu tượng là đại bàng. Còn Matthêu lại nói đến Ngôi Hai xuống thế làm người nên mang hình người[1].

Họa phẩm về sự cứu rỗi thế gian của Thiên Chúa

Thánh Giêrônimô, người đã dịch bộ Kinh Thánh từ tiếng Hípri và Hy Lạp sang tiếng Latinh lần đầu tiên, là người đã thực hiện việc gán ghép các biểu tượng ấy, có những lý do ràng buộc và thuyết phục, liên quan đến đặc điểm Tin Mừng của 4 Thánh Sử để gán như vậy:

  • Thánh Mátthêu được gắn liền với một người có cánh, đôi khi là một thiên thần vì Tin Mừng này tập trung vào nhân tính của Chúa Giêsu Kitô, Thánh Mátthêu đã bắt đầu Tin Mừng của mình bằng gia phả của Chúa Giêsu để nói về bản tính nhân loại của Người.
  • Thánh Máccô thì được gắn liền với một con sư tử vì Tin Mừng này nhấn mạnh vẻ oai nghi của Chúa Giêsu và phẩm chất đế vương, giống như sư tử được coi là vua của muôn thú (King of Beast). Tin Mừng này bắt đầu với lời rao giảng của Thánh Gioan Tẩy Giả, kêu lên trong hoang địa như tiếng sư tử gầm.
  • Thánh Luca thì đi liền với con bò, do Phúc Âm nói sâu về tính hy sinh trong cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, cũng như con bò là lễ vật hy tế (vật hy sinh hiến tế) thượng phẩm theo luật Môsê. Trong tác phẩm của mình, Luca (Luke) phát hoạ cảnh Giáng Sinh với các con vật, trong đó có con bò, làm chứng nhân cuộc giáng thế.
  • Thánh Gioan thì tương quan với con đại bàng vì đầu tiên, thứ hai, Phúc Âm mô tả sự nhập thể của Ngôi Lời, tức sự giáng thế của Chúa Kitô, và đại bàng là biểu tượng của một thứ gì đó đến từ phía trên, cũng giống như đại bàng, Thánh Gioan là người có thể nhìn thấy những gì mà người khác không thấy được, chẳng hạn như các mặc khải vì những cái sự cao siêu trong trước tác mà người ta gọi ngài là Thánh Gioan Tác Giả Tin Mừng hay Đại Bàng đảo Pátmô.

Thánh Irênê (Irenaeus) giải thích các biểu tượng rằng Thánh Matthêô được tượng trưng bằng hình ảnh con người là bởi vì Tin Mừng Matthêô nhấn mạnh đến việc Đức Giêsu xuống thế gian mà trước hết qua phả hệ gốc gác. Con sư tử có cánh tượng trưng cho Thánh Ma-rcô vì câu “Nơi hoang địa có tiếng kêu vang” nhắc nhớ đến tiếng gầm rống của con sư tử. Con bò có cánh tượng trưng cho Thánh Luca vì những con bò là con vật dùng làm hy lễ trong đền thờ như khi nhận Hòm bia Giao ước, cứ mỗi sáu bước chân thì sát tế một con bò và một con bê béo (2-Sm: 6, 13). Tin Mừng Luca cũng kể lại dụ ngôn Người con hoang đàng, nhắc đến con béo tốt bị giết thịt để đãi tiệc, con bò có cánh nhắc về đặc tính tư tế và hy lễ để cứu chuộc. Con đại bàng bay vút lên tượng trưng cho Thánh Gioan vì tin Mừng Gioan bắt đầu với lời tợ “bay bổng” và “phóng lên cao” để đâm toạc vào mầu nhiệm thâm sâu nhất và cứ ai ôm ấp lấy Kitô thì cũng sẽ được bay vút lên tới vĩnh cửu, và việc sai sứ thần xuống trên mặt đất nhắc về một “thiên sứ có cánh” nào đó.

Hình ảnh thị kiến cỗ xe ngai Thiên Chúa có bốn sinh vật chống nâng và bàn thờ ngai Thiên Chúa ở trung tâm có bốn sinh vật thờ lạy tôn kính trong sách Khải Huyền có ảnh hưởng rất mạnh được dùng làm hình ảnh chỉ về bốn Thánh sử viết Phúc âm Chúa Giêsu. Hình thức bốn góc cạnh của một phúc âm Chúa Giêsu đã được công nhận từ sớm trong Canon Muratori. Vào khoảng thời gian này Giáo phụ Irenaeus thành Lyon cũng đã nói đến con số bốn của phúc âm theo như bốn sinh vật từ trong sách Ezechiel và sách Khải Huyền. Dựa theo bản tường thuật về thị kiến trong kinh thánh, Giáo phụ Irenaeus cho rằng Chúa Giêsu Kito đã được bốn khuôn mặt, bốn hình dạng của sinh vật loan báo, Chúa tỏ mình ra trong bốn phúc âm là người dũng lực qua hình ảnh con sư tử, là linh mục lo phần tế tự qua hình ảnh con bò, trở thành con người qua hình ảnh một người, và là thần linh hướng dẫn tâm linh con người qua hình ảnh con chim đại bàng.

Con bò tượng trưng cho Thánh sử Luca

Giáo phụ Irenaeus sắp xếp hình ảnh Sư tử cho Thánh sử Gioan, con bò cho Thánh sử Luca, hình người cho Thánh sử Mattheo, và hình con chim đại bàng cho Thánh sử Marcô. Nhưng cách sắp xếp này không được công nhận. Thánh Hieronimo cũng cùng suy nghĩ như thánh giáo phụ Irenaeus, nhưng theo cách cắt nghĩa khác sắp xếp thứ tự khác như sau: Hình dạng con người là biểu tượng cho Thánh sử phúc âm Mattheo vì phúc âm theo Thánh sử Mattheo bắt đầu với gia phả nguồn gốc tổ tiên của Chúa Giêsu. Hình dạng con sư tử là biểu tượng cho phúc âm theo Thánh Marco vì phúc âm theo Thánh sử Marco ngay khởi đầu có tiếng lời kêu gọi của Thánh Gioan Tiền hô trong sa mạc như tiếng sư tử gầm thét kêu gọi ăn năn thống hối cải thiện đời sống dọn đường cho Chúa đến.

Hình dạng con bò là biểu tượng cho phúc âm Thánh Luca vì phúc âm theo Thánh Luca nói đến tiên tri Zacharias vào đền thờ dâng hương tế lễ, nơi đây ông mang lễ tế là con bò non vào làm của lễ dâng tiến Giave như của lễ hy sinh đền tội. Phúc âm theo Thánh Luca thuật lại cảnh Chúa Giêsu giáng sinh trong chuồng thú vật của chiên, bò. Và chính Chúa Giêsu trở nên là của lễ, như xưa nay dân Chúa dùng chiên bò làm của lễ, hy sinh đền tội thay cho toàn dân trong giao ước mới lên Thiên Chúa mang lại ơn cứu độ cho nhân loại. Hình dạng con chim đại bàng là biểu tượng cho phúc âm thánh Gioan vì những tư tưởng cao xa về Thiên Chúa vượt qúa tầm khả năng suy nghĩ hiểu biết của con người trần thế chứa đựng trong phúc âm của Thánh Gioan, như chim đại bàng tung cánh bay cao vút tận trời cao vượt qúa tầm nhìn của con mắt con người nhìn dõi theo.

Thánh sử Mattheu là biểu tượng là mặt người về tính loài người nên "con vật có mặt người" tượng trưng cho phúc âm Mattheu. Thánh sử Marco với biểu tượng mặt con sư tử là do sách viết khởi đầu bằng khung cảnh của hoang mạc núi rừng, nơi Joan sinh trưởng, ăn chay, cầu nguyện, giữa những sư tử và muôn loài cầm thú. Thánh sử Luca với biểu tượng là mặt bò, do sách viết khởi đầu bằng việc dâng của lễ trong đền thờ và truyền tin cho ông Dacaria mà dâng lễ thời đó thường là dâng những con bò làm của lễ tế Thiên Chúa. Thánh sử Gioan- biểu tượng chim phượng hoàng là do sách viết khởi đầu bằng những hình ảnh, suy tư cao vời, tựa hồ phượng hoàng cao bay chót vót.

Trong khảo luận Adversus Haereses (Chống lạc giáo, XI), Thánh Irênê viết: "Con Vật thứ nhất giống như sư tử” tượng trưng cho công việc rất hiệu quả của Đức Kitô, quyền lãnh đạo và vương quyền của Ngài; “Con Vật thứ hai giống như bò tơ” nói lên đặc tính tư tế và hy tế của Ngài; Con Vật thứ ba có mặt như mặt người là cách diễn tả rõ ràng về việc Đức Kitô xuống thế như một phàm nhân; Con Vật thứ bốn giống như đại bàng đang bay tượng trưng cho ân huệ Chúa Thánh Thần bay lượn với đôi cánh trên Giáo Hội". Nơi Ezechiel bốn sinh vật được trình bày với bốn khuôn mặt, còn nơi sách Khải huyền là bốn hình dạng, tuy sách Khải Huyền cũng lấy hình ảnh bốn sinh vật từ sách Ezechiel. Và thứ tự cũng khác, nơi sách Ezechiel là bốn khuôn mặt: mặt người, mặt sư tử, mặt con bò và mặt chim đại bàng. Còn nơi sách Khải huyền: hình dạng sư tử, hình dạng con bò, hình dạng người, và hình dạng chim đại bàng. Có sự khác biệt về sắp xếp thứ tự bốn sinh vật như thế, theo giả thuyết có thể tác giả sách Khải Huyền đã theo học một trường phái khác về việc sắp xếp thứ tự những con thú vật.

Trong nghệ thuật

Tượng Thánh Marco trên nóc nhà thờ ở Venice với biểu tượng con Sư tử vàng

Trong nghệ thuật Cơ đốc giáo, bốn hình hài là sự kết hợp các biểu tượng của Bốn nhà truyền giáo (bốn Thánh sử), bắt nguồn từ bốn sinh vật sống trong Sách Ê-xê-chi-ên thành một hình duy nhất. Mỗi người trong số bốn Nhà truyền giáo được biểu tượng gắn với một trong những sinh vật sống, thường có cánh và cũng trong nghệ thuật và biểu tượng của Cơ đốc giáo, các bức chân dung của Nhà truyền giáo thường đi kèm với bốn hình hài hoặc các biểu tượng chỉ được sử dụng để đại diện. Các bức chân dung của nhà truyền giáo miêu tả họ trong hình dạng con người của họ thường được đi kèm với các sinh vật biểu tượng thường được biểu thị cùng bốn biểu tượng.

Truyền thống nghệ thuật Kitô giáo từ lâu đã có thói quen mô tả 4 vị Thánh Sử Tin Mừng đi kèm hoặc được đại diện bằng 4 sinh vật là con người, sư tử, bò và đại bàng. Đây không phải là sự sắp xếp cố tình hay suy tư sáng tạo của các nghệ nhân, như trường hợp biểu tượng chim bồ nông là một ví dụ về sự suy tư liên tưởng. Theo truyền thống, các hình ảnh sau đây biểu tượng cho 4 tác giả Tin Mừng: con người tượng trưng cho Thánh Matthêô; sư tử có cánh tượng trưng cho Thánh Marcô; con bò có cánh tượng trưng cho Thánh Luca và con đại bàng đang bay đại diện cho Thánh Gioan, đây là những môtip kiến trúc quen thuộc.

Sự gắn kết phổ biến nhất, nhưng không phải là nguyên bản hoặc duy nhất đó là Matthew gắn với hình hài con người, Mark gắn với hình hài con Sư tử, Luke gắn với hình hài con bò và John gắn với hình hài con đại bàng (Thánh Marco là con sư tử, thánh Luca hình con bò, thánh Gioan là chim đại bàng và Thánh Matthêu hình người). Ở giữa ngai và chung quanh ngai có bốn Con Vật, đằng trước và đằng sau đầy những mắt. Con Vật thứ nhất giống như sư tử, Con Vật thứ hai giống như bò tơ, Con Vật thứ ba có mặt như mặt người, Con Vật thứ bốn giống như đại bàng đang bay (Sách Khải huyền chương 4, câu 7) nên những điêu khắc cũng theo bố cục này.

Trong đền thờ Thánh Phero ở Vatican có cơ cấu kiến trúc, nhất là vòm hình tròn nơi cung thánh trong đền thờ do Michelangelo vẽ họa đồ theo kiến trúc thời Phục hưng, chung quanh phía trên đầu của bốn cột to lớn chống đỡ vòm tròn, có vẽ trình bày bốn vị Thánh sử viết phúc âm Chúa Giêsu với bốn biểu tượng. Trong đền thờ thánh Phêrô ở Rôma còn có 4 chiếc cột to lớn đỡ vòm tròn, trên đó có có điêu khắc hình ảnh 4 thánh sử, tác gỉa của Tin Mừng với 4 biểu tượng. Thánh sử Marco với hình con sư tử, Thánh sử Mattheo với hình một người, Thánh sử Luca với hình con bò, và Thánh sử Gioan với con chim đại bàng. Không chỉ trong đền thờ Thánh Phero có khắc vẽ hình bốn Thánh sử phúc âm với những biểu tượng như thế. Ngoài ra, còn ở nhiều thánh đường khác trên thế giới cũng vẽ khắc những biểu tượng như thế trong Thánh đường.

Tham khảo

  • Whittick, Arnold. Symbols, Signs, and their Meaning. Leonard Hill Ltd, 1960, p. 134.
  • ”Four Evangelists (Tetramorphs)”. Symboldictionary. http://symboldictionary.net/?p=486 Lưu trữ 2018-06-12 tại Wayback Machine
  • Clement, Clara Erskine. Saints in Art. Gale Research Company, 1974, p. 34.
  • Cf. Armstrong, J. J., "Victorinus of Pettau as the author of the 'Canon Muratori'": «Irenaeus and Victorinus each associate John with the lion, Matthew with the man, Luke with the calf, and Mark with the eagle.»
  • Augustine, Agreement among the Evangelists, I,6,9
  • Male, Emile. The Gothic Image: Religious Art in France of the Thirteenth Century. HarperCollins, 1913, pp. 35–7.
  • Clement, Clara Erskine. Saints in Art. Gale Research Company, 1974, p. 48.
  • Charbonneau-Lassay, Louis. The Symbolic Animals of Christianity. Stuart & Watkins, 1970.
  • Schuetz-Miller, Mardith K. “Survival of Early Christian Symbolism in Monastic Churches of New Spain and Visions of the Millennial Kingdom”. Journal of the Southwest. 42.4 (2000): 763-800. Print.
  • ”Symbols of the Four Evangelists in Christian Art”. Sacred Destinations. "Archived copy". Archived from the original on 2012-03-01. Truy cập 2012-03-16..
  • Tabon, Margaret. The Saints in Art. Gale Research Company, 1969, p. 72.
  • ”Symbols of the Four Evangelists”. Sacred Destinations. "Archived copy". Archived from the original on 2012-03-01. Truy cập 2012-03-16.
  • "Symbols of the Four Evangelists". Sacred Destinations. "Archived copy". Archived from the original on 2012-03-01. Truy cập 2012-03-16.
  • "Archangels and Evangelists". Paradox Palace. "Archived copy". Archived from the original on 2012-05-02. Truy cập 2012-03-16.