Balkan hóa

Balkan từ 1796 cho tới 2008

Balkan hóa hay đọc theo phiên âm tiếng Việt Ban-căng hóa là một từ địa chính trị để chỉ một quá trình chia cắt một vùng hay một nước thành những vùng hay nước nhỏ hơn, mà thường thù nghịch hay không hợp tác với nhau.[1] Một số người cho đây là một từ được dùng với nghĩa xấu.[2]. Từ này ngày nay cũng được dùng để chỉ sự tan rã của một tập thể khác như công ty, trang mạng, ngay cả khu vực nhân sinh.

Nguồn gốc

Thuật ngữ Balkan hóa xuất phát từ việc bán đảo Balkan vốn hầu hết nằm dưới sự cai trị của Đế chế Ottoman bị phân tách trong thời kỳ từ đầu thế kỷ 19 thành những quốc gia nhỏ độc lập. Năm 1829 Hy Lạp tuyên bố độc lập; 1878 Montenegro, SerbiaRumani; 1908 Bulgaria. Từ Balkan hóa đã được dùng vào thời này. Sau sự sụp đổ Đế quốc Áo-HungĐế quốc Nga sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất vùng này lại hình thành thêm nhiều nước mới, trong đó có Nam Tư. Từ này từ đó lại được dùng phổ thông hơn. Nam Tư sau các cuộc nội chiến vào cuối thế kỷ 20 sau khi Liên Xô tan rã lại chia ra thành Bosna và Hercegovina, Croatia, Macedonia, Montenegro, Serbia, Slovenia, cũng như nhà nước Kosovo (2008) đã được một số quốc gia công nhận.

Balkan hóa cũng đã xảy ra ở các vùng đất khác, như ở châu Phi những năm 1950 và 1960 sau khi các đế chế thuộc địa của Anh và Pháp ở đây tan rã. Đầu thập kỷ 1990, quá trình Balkan hóa diễn ra ở Liên Xô, dẫn tới sự hình thành của Armenia, Azerbaijan, Belarus, Estonia, Gruzia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Latvia, Litva, Moldova, Nga, Tajikistan, Turkmenistan, Ukraina, Uzbekistan, trong đó có nhiều quốc gia bất ổn do có sự pha trộn sắc tộc, dẫn tới bạo lực giữa các sắc tộc. Balkan hóa tại các vùng khác ở châu Âu, trong đó, ở Âu châu tại nhiều quốc gia đã có những đe dọa Balkan hóa của các phong trào độc lập như ở Bán đảo Iberia ở các vùng BasqueCatalunya, cũng như ở vương quốc Anh của người Scotland.

Liên kết ngoài

Chú thích

  1. ^ Merriam-Webster Online Dictionary 1. to break up (as a region or group) into smaller and often hostile units.
  2. ^ Vidanović, Ivan (2006). Rečnik socijalnog rada Udruženje stručnih radnika socijalne zaštite Srbije; Društvo socijalnih radnika Srbije; Asocijacija centra za socijalni rad Srbije; Unija Studenata socijalnog rada. ISBN 86-904183-4-2.(tiếng Serbia)